Hotline: 0933.643.111 0975.884.655

QCVN 02 - 10: 2009/BNNPTNT cơ sở thu mua thuỷ sản – điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

30/08/2018
QCVN 02 - 10: 2009/BNNPTNT cơ sở thu mua thuỷ sản –  điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
QCVN 02 - 10: 2009/BNNPTNT cơ sở thu mua thuỷ sản – điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Fishery purchasing establishments - Conditions for food safety

CƠ SỞ THU MUA THUỶ SẢN – ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

Fishery purchasing establishments - Conditions for food safety

1. QUY ĐỊNH CHUNG

1.1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chuẩn này quy định những điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với Cơ sở thu mua thuỷ sản.

1.2. Ðối tượng áp dụng

1.2.1. Quy chuẩn này áp dụng đối với cơ sở thu mua của các tổ chức, cá nhân có hoạt động thu mua thuỷ sản.

1.2.2. Cơ sở thu mua thuỷ sản có hoạt động sơ chế thì khu vực sơ chế áp dụng theo QCVN 02 - 01: 2009/BNNPTNT cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thuỷ sản - điều kiện chung đảm bảo an toàn thực phẩm.

1.3. Giải thích từ ngữ

Cơ sở thu mua thuỷ sản là một địa điểm cố định diễn ra các hoạt động mua gom, bảo quản nguyên liệu thủy sản để cung cấp cho thị trường hoặc các cơ sở chế biến thuỷ sản.

2. QUY ĐỊNH VỀ KỸ THUẬT

2.1. Ðịa điểm

Cơ sở thu mua thuỷ sản phải được bố trí tại những địa điểm đáp ứng được các yêu cầu sau:

2.1.1. Ðược xây dựng ở những nơi không bị ngập, đọng nước.

2.1.2. Có đủ nguồn điện,nước sạch phục vụ thu mua.

2.1.3. Giao thông thuận tiện.

2.1.4. Xa khu vực có nguồn gây nhiễm.

2.2. Mặt bằng và kết cấu nhà xưởng

2.2.1. Mặt bằng cơ sở thu mua phải đủ rộng, thuận tiện cho việc tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển thủy sản.

2.2.2. Nền nhà phải cứng, nhẵn, không trơn, dễ làm vệ sinh khử trùng và thoát nước tốt.

2.2.3. Cơ sở thu mua phải có mái che; có rào bao quanh.

2.2.4. Khu vực bảo quản thuỷ sản phải được bố trí cách biệt với các khu khác.

2.2.5. Cơ sở phải có nơi thay bảo hộ lao động và được trang bị vòi nước rửa tay đặt ở vị trí thích hợp.

2.2.6. Cơ sở phải có khu vực vệ sinh cách biệt với khu vực thu mua và luôn được giữ vệ sinh sạch sẽ.

2.3. Hệ thống cấp, thoát nước

2.3.1. Cơ sở phải có nguồn nước sạch đảm bảo đúng yêu cầu quy định của Bộ Y tế.

2.3.2. Các thiết bị cung cấp nước sạch như đường ống, bể chứa được thiết kế phù hợp, không rò rỉ, không độc hại, dễ làm vệ sinh và phải được đậy kín.

2.3.4. Hệ thống thoát nước thải phải đảm bảo thải được hết lưu lượng nước cần thải trong hoạt động thu mua hàng ngày. Cống, rãnh thoát nước có độ dốc thích hợp, không đọng nước.

2.3.5. Nước thải trước khi xả ra phải được xử lý đảm bảo không ảnh hưởng môi trường xung quanh.

2.4. Hệ thống chiếu sáng

2.4.1. Hệ thống chiếu sáng  phải được bố trí nơi cần thiết có đủ ánh sáng cho các hoạt động thu mua.

2.5. Thiết bị, dụng cụ

2.5.1. Thiết bị, dụng cụ chứa thủy sản phải được làm bằng loại vật liệu không gỉ, không độc hại, bề mặt nhẵn và dễ làm vệ sinh khử trùng.

2.5.2. Thiết bị xay, nghiền nước đá

a. Có kết cấu thích hợp, dễ làm vệ sinh;

b. Được chế tạo bằng vật liệu bền, không gỉ, không thấm nước, không gây nhiễm cho sản phẩm.

2.5.3. Thùng chứa phế thải phải làm bằng vật liệu không ngấm nước, không bị ăn mòn, kín, có nắp đậy, dễ làm vệ sinh.

2.5.4. Cơ sở thu mua phải có đủ các phương tiện để rửa, khử trùng dụng cụ, thiết bị, tường và nền nhà.

2.6. Chất bảo quản

2.6.1. Chất sử dụng để bảo quản phải nằm trong danh mục các chất được phép sử dụng cho thực phẩm theo quy định hiện hành của Nhà nước. Người sử dụng các chất này phải được tập huấn.

2.6.2. Không được sử dụng hoá chất, kháng sinh cấm vào việc bảo quản nguyên liệu, Không bơm chích tạp chất vào nguyên liệu để gian lận thương mại trong  thu mua thuỷ sản.

2.7. Chất tẩy rửa và khử trùng

2.7.1. Chất tẩy rửa và khử trùng phải được phép sử dụng, được đựng trong thùng kín, bảo quản riêng biệt trong kho thông thoáng, có khoá. Trên các thùng chứa, phải ghi rõ bằng tiếng Việt tên chất tẩy rửa và khử trùng.

2.7.2. Không được sử dụng hoá chất diệt chuột và động vật gây hại trong khu vực thu mua.

2.8. Quá trình thu mua

2.8.1. Bốc dỡ thuỷ sản

Việc bốc dỡ thủy sản phải đảm bảo yêu cầu:

a. Không làm nhiễm bẩn thủy sản;

b.Thực hiện nhanh chóng, thao tác nhẹ nhàng, tránh làm dập nát, hư hỏng thuỷ sản;

c. Không được để thuỷ sản trực tiếp dưới sàn nhà.

2.8.2. Xử lý sơ bộ và phân loại.

a. Việc xử lý sơ bộ và phân loại thuỷ sản phải thực hiện nhanh chóng và không được tiến hành trực tiếp dưới sàn nhà.

b. Nước đá sử dụng trong cơ sở thu mua phải có nguồn gốc từ các cơ sở sản xuất nước đá đảm bảo an toàn vệ sinh.

c. Trong quá trình xử lý sơ bộ, nguyên liệu phải được giữ ở nhiệt độ thích hợp tuỳ theo từng loại nguyên liệu.

d. Phế liệu phải được đựng trong thùng kín và hàng ngày phải chuyển ra ngoài cơ sở thu mua.

2.8.3. Bảo quản và vận chuyển

a. Thuỷ sản sau khi được xử lý sơ bộ và phân loại phải được bảo quản ngay ở nhiệt độ từ -1 đến +40C hoặc tuỳ theo yêu cầu của từng loại nguyên liệu thuỷ sản.

b. Thuỷ sản phải được bảo quản theo từng chủng loại, đúng yêu cầu kỹ thuật của từng loại nguyên liệu.

c. Thao tác khi bảo quản thuỷ sản phải nhanh chóng, cẩn thận, tránh lây nhiễm hoặc phát triển của vi sinh vật.

d. Thuỷ sản phải được vận chuyển trên phương tiện chuyên dùng tới nơi tiêu thụ hoặc các cơ sở chế biến.

2.9. Vệ sinh

2.9.1. Yêu cầu chung

a. Cơ sở thu mua phải luôn luôn được vệ sinh sạch sẽ; có biện pháp ngăn chặn chuột và động vật vào khu vực thu mua.

b. Cơ sở phải có biện pháp để tránh lây nhiễm ở tất cả các khâu trong quá trình thu mua.

c. Dụng cụ, thiết bị tiếp xúc trực tiếp với thuỷ sản, nền nhà phải được làm vệ sinh và khử trùng sạch sẽ sau mỗi lần sử dụng; đảm bảo sạch trước khi dùng.

d. Người không có nhiệm vụ, không được vào khu vực thu mua.

2.9.2. Vệ sinh cá nhân

a. Người có bệnh truyền nhiễm không được làm việc hoặc đến cơ sở thu mua thuỷ sản.

b. Người làm việc tại cơ sở thu mua thuỷ sản phải đảm bảo sức khoẻ khi tuyển dụng và kiểm tra sức khoẻ định kỳ hàng năm.

c. Người thu mua tiếp xúc trực tiếp với thuỷ sản phải được trang bị bảo hộ lao động (quần, áo, ủng, mũ, găng tay…) trong khi làm việc.

d. Người thu mua phải rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi tiếp xúc với thuỷ sản hoặc sau khi tiếp xúc với vật thể có khả năng gây nhiễm cho thuỷ sản, hoặc sau khi đi vệ sinh.

g. Trong quá trình thu mua ( phân loại, bảo quản…) mọi người không được hút thuốc, khạc nhổ, ăn uống.

h.  Người làm công tác thu mua thuỷ sản phải được đào tạo về vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh cá nhân.

2.9.3. Chế độ làm vệ sinh

a. Cơ sở thu mua thuỷ sản phải có quy định làm vệ sinh, khử trùng.

b. Bản quy định phải xác định rõ phương pháp, tần suất làm vệ sinh cho từng khu vực, loại thiết bị dụng cụ phù hợp với tình hình thực tế của cơ sở.

2.9.4. Quản lý xuất xứ

a. Cơ sở thu mua phải có sổ ghi chép đầy đủ cho mỗi lần thu mua, giao nhận nguyên liệu thủy sản. Sổ ghi chép gồm các nội dung sau:

- Ngày, tháng, năm  thu mua.

- Ngày, tháng, năm xuất hàng.

- Tên, địa chỉ cơ sở hoặc người bán nguyên liệu.

- Địa điểm thu hoạch, khai thác thuỷ sản

- Tên loài, số lượng và hiện trạng của nguyên liệu thuỷ sản.

- Người và cơ sở thu mua;

- Nơi hàng đến.

b. Các lô hàng cung cấp cho các cơ sở tiêu thụ hoặc chế biến phải kèm theo phiếu xuất hàng có nội dung như qui định tại phần 2.8.6.a của quy chuẩn này.

c. Sổ ghi chép phải được lưu giữ cẩn thận để tiện việc theo dõi, kiểm tra khi cần thiết. Thời gian lưu giữ tối thiểu 2 năm.

3. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ

3.1. Chứng nhận hợp quy

3.1.1. Cơ sở thu mua thuỷ sản phải thực hiện chứng nhận hợp quy về điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 9 năm 2007 về “ Quy định về hoạt động chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy”.

3.1.2. Tổ chức chứng nhận sự phù hợp được thành lập và hoạt động theo Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 về “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định tiến hành chứng nhận hợp quy cơ sở thu mua thuỷ sản.

3.1.3. Phương thức đánh giá, chứng nhận cơ sở thu mua thuỷ sản hợp quy thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3.2.  Công bố hợp quy

3.2.1. Cơ sở thu mua thuỷ sản được chứng nhận hợp quy phải thực hiện công bố hợp quy và gửi hồ sơ công bố hợp quy về cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định.

3.2.2. Việc công bố hợp quy thực hiện theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 127/2007/NĐ-C ngày 01/8/2007.

3.3. Giám sát chế tài

3.3.1. Cơ sở thu mua thuỷ sản và Tổ chức chứng nhận chịu sự thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở địa phương.

3.3.2. Việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm  phải tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành .

3.4. Tổ chức thực hiện 

3.4.1. Chủ cơ sở thu mua thuỷ sản được quy định  tại phần 1.2. có trách nhiệm  tuân thủ các quy định của Quy chuẩn kỹ thuật nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

3.4.2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chỉ đạo các đơn vị chức năng  phổ biến, hướng dẫn và thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật này.   

3.4.3. Trong trường hợp các quy định tại Quy chuẩn này có sự thay đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo quy định văn bản mới do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký ban hành.

Hãy GỌI NGAY cho chúng tôi để được tư vấn MIỄN PHÍ 24/7 và cung cấp dịch vụ TỐT NHẤT! 

 

Tâm Đức luôn đồng hành cùng an toàn thực phẩm.

Chi tiết vui lòng liên hệ:

CÔNG TY TNHH GIẢI PHÁP CHẤT LƯỢNG  TÂM ĐỨC

Địa chỉ: 30 đường số 12, KP5, P. Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức, Tp.HCM

 

Điện thoại: 0845 68 11 88

Hotline ATTP: 0933.643.111

Phản ánh dịch vụ: 0932 888 518

 

Hotline CBSP:0983.643.111

Email: [email protected]

Website:  attptamduc.com | thietbithunghiem.com | congbohopquysanpham.net